Được mệnh danh là đất nước có rừng vàng biển bạc và là quốc gia có điều kiện tài nguyên rừng phong phú. Tuy nhiên trong thời gian gần đây thì tình trạng chặt phá rừng hiện nay đang bị khai thác một cách bừa bãi không được kiểm soát chặt chẽ gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng diện tích rừng có được. Còn với hệ thực vật, những cánh rừng ngã xuống do khai thác trái phép đang đem đến nhiều vấn nạn không hồi kết như sạt lở, lũ lụt và ô nhiễm môi trường.
Suy cho cùng, có cầu mới có cung. Ngành gỗ chưa bao giờ hết nóng khi đã đem về 6,9 tỉ USD trong năm qua, giúp Việt Nam xếp thứ 4 trong những nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu sản phẩm gỗ các doanh nghiệp trong nước làm ra được bán tốt trên thị trường nội địa do người tiêu dùng dễ tính chỉ quan tâm đến giá cả và thiết kế bắt mắt, thì người tiêu dùng ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ hay EU lại khắt khe hơn. Họ rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ của gỗ nguyên liệu trong quyết định mua hàng. Ở Anh và Hà Lan, đồ gỗ làm từ nguyên liệu không có xuất xứ hợp pháp đều bị tẩy chay vì người tiêu dùng tin rằng việc sử dụng chúng là gián tiếp hủy hoại môi trường. Mỹ cũng không ngoại lệ.
Làm cách nào để xác minh nguồn gốc gỗ dùng trong sản xuất ở một nước bên kia bờ đại dương? Một bên thứ 3 độc lập với những quy định chặt chẽ trong quy trình khai thác và sản xuất đồ gỗ chính là đáp án cho bài toán này.
FSC là chứng chỉ được cấp bởi Hội đồng Quản trị rừng thế giới, đi cùng với chứng chỉ CoC về kiểm định chuỗi hành trình sản phẩm hiện là “dấu bảo chứng” được công nhận rộng rãi nhất trên toàn cầu đối với những sản phẩm xuất xứ từ gỗ. Những công ty muốn đạt được chứng chỉ này phải đáp ứng được 10 nguyên tắc và 56 chỉ tiêu của FSC. Trong đó có những tiêu chí cực kỳ nghiêm ngặt mà người trồng rừng chưa từng được tiếp cận trước đây, như không được sử dụng hóa chất khi trồng cây, cấm săn bắt động vật hoang dã ở rừng FSC, không được đốt thực bì cây, không dùng máy cày, san ủi làm nghèo dinh dưỡng trong đất...
Việc thực hiện chứng nhận theo tiêu chuẩn FSC khá tốn kém và mất nhiều thời gian công sức tuy nhiên đó vẫn là mong ước của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ nói chung. Bởi một khi đã có được giấy chứng nhận này sản phẩm gỗ như có được thêm tấm visa để đến với các thị trường khó tính hơn nhưng béo bở hơn rất nhiều.
Để có thể mở rộng ra hơn nữa diện tích rừng theo bộ tiêu chuẩn FSC này thì các công ty gỗ hợp tác với các hộ nông dân trồng rừng nhỏ lẻ. Theo mô hình này thì những người trồng rừng sẽ được bao tiêu với đầu ra với giá cao hơn từ đó thu được lợi nhuận lâu dài hơn. Môi trường rừng từ đó sẽ được cải thiện còn các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Những cánh rừng FSC có thời gian trồng dài hơn gấp rưỡi so với rừng thường, nhưng trung bình mỗi ha rừng đạt chuẩn được bán với giá 150-200 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với rừng trồng theo kiểu cũ. Do đó, ngày càng có nhiều hộ nông dân tỏ ra hào hứng hơn trong việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC để cải thiện thu nhập, mặc dù phải học hỏi từ đầu các quy trình trồng và chăm sóc rừng.
Theo thống kê của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), một trong những tổ chức hỗ trợ triển khai chứng chỉ FSC tại Việt Nam, nước ta đã có 13 doanh nghiệp và 2 dự án theo đuổi thành công chứng chỉ này, nâng tổng diện tích rừng đạt tiêu chuẩn FSC lên 184.718 ha. Tuy chỉ mới chiếm 1,4% trong tổng diện tích rừng cả nước, nhưng đây sẽ là hướng phát triển phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020, khi rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC phải chiếm 30% trong tổng diện tích rừng.
Trong kinh doanh, những người đi tiên phong luôn là người đặt ra luật chơi cho ngành. Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang trầy trật tìm đầu ra cho sản phẩm, sẽ có thể nối gót những doanh nghiệp đi trước áp dụng tiêu chuẩn FSC vào sản xuất. Từ đó, từng bước áp dụng cho vùng nguyên liệu để mở rộng thị trường tiêu thụ. Những hiệu quả tích cực về môi trường và xã hội mà FSC đem lại có thể không thấy được trước mắt, nhưng sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét